Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa có nhận định xu thế khí hậu thời hạn tháng 6/2024.
Theo đó, Phó trưởng phòng dự báo khí hậu Trần Thị Chúc cho biết, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1 độ C, riêng khu vực Trung và Nam Trung Bộ có nơi cao trên 1 độ so với TBNN cùng thời kỳ.
Đáng lưu ý, trong thời kỳ dự báo, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa, riêng 10 ngày đầu tháng khu vực có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to diện rộng.
Tại các khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên mưa có khả năng gia tăng hơn cả về diện và lượng.
Do đó, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thời kỳ này cao hơn từ 10-30% so với TBNN, các khu vực khác ở mức xấp xỉ.
Đồng thời, bà Trần Thị Chúc lưu ý, trong tháng 6 này, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão/ATNĐ (bao gồm cả cơn bão số 1 (Maliksi).
Về diễn biến nắng nóng, theo bà Chúc, trong 10 ngày đầu của thời kỳ dự báo, ít có khả năng xuất hiện nắng nóng diện rộng. Sau đó, nắng nóng có khả năng gia tăng hơn tại các tỉnh Bắc và Trung Bộ.
Trước mắt, cơ quan khí tượng dự báo ngắn hạn thời tiết các khu vực trên cả nước, từ 1-7/6 .
Cụ thể, ở khu vực Bắc Bộ từ 1-2/6, có mưa rào và giông vài nơi, ngày nắng gián đoạn. Từ chiều tối 2-3, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Đáng lưu ý, từ 4-7/6, có mưa, mưa vừa và giông, cục bộ có mưa to đến rất to.
Ngoài ra, từ 4-6/6, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên phổ biến từ 1-3m.
Khu vực Trung Bộ : Từ 1-4/6, ngày nắng, riêng từ ngày 3-4, có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt; chiều tối và đêm có mưa giông cục bộ.
Từ đêm 4-7/6: khu vực Bắc Trung Bộ có mưa giông rải rác, cục bộ có mưa to; khu vực Trung và Nam Trung Bộ ngày nắng nóng, chiều tối và tối có mưa giông cục bộ.
Tây Nguyên và Nam Bộ , trong 1 tuần này duy trình hình thái ngày nắng, chiều tối và tối có mưa giông rải rác, cục bộ có mưa to.
Riêng khu vực Hà Nội : Từ 1-2/6, có mưa rào và giông vài nơi, ngày trời nắng gián đoạn. Từ chiều tối 2-3/6, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa giông rải rác. Từ 4-7/6, có mưa, mưa vừa và giông, cục bộ có mưa to.
Cơ quan khí tượng cảnh báo ở các khu vực trên, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cơn bão đầu tiên xuất hiện từ tháng 5
Đánh giá về tình hình thời tiết tháng 5, Phó trưởng phòng dự báo khí hậu Trần Thị Chúc cho biết, cơn bão đầu tiên của năm 2024 đã xuất hiện trên Biển Đông với tên quốc tế là Maliksi vào chiều 31/5. Đến sáng 1/6, sau khi đi vào đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), bão suy yếu dần. Về diễn biến khí hậu, ở đồng bằng Bắc và Trung Bộ, thời kỳ này đã xảy ra 1 đợt nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt vào các ngày từ 26-30/5; trong đó, khu vực Thanh Hóa đến Ninh Thuận có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với mức nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 40 độ. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt trong các ngày từ 1-8/5; sau đó từ 9/5, nắng nóng chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trên cả nước đã ghi nhận nhiều trạm khí tượng xảy ra giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử. Cụ thể, cùng trong ngày 1/5, ở Đông Hà (Quảng Trị) đạt đến 43,2 độ, vượt mức 42,3 độ năm 2023; Huế (Thừa Thiên Huế) 42,1 độ, vượt kỷ lục 41,3 độ năm 1983; Đà Nẵng 41,5, vượt mức 40,5 năm 1983 hay Thủ Dầu Một (Bình Dương) 38,9 độ ngày 2/5, vượt mức 38,7 năm 2016,… Nhiệt độ trung bình tháng 5 tại Bắc Bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ; riêng khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ cao hơn từ 1-1,5 độ. Tại các tỉnh Trung Bộ, mức này cao hơn từ 0,5-1,5 độ. Riêng Tây Nguyên, Nam Bộ cao hơn từ 1-2 độ, có nơi trên 2 độ so với TBNN cùng thời kỳ. Bên cạnh đó, tháng 5 cũng ghi nhận nhiều ngày mưa ở các khu vực trên cả nước, nhưng phân bổ không đồng đều. Cụ thể, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, một số nơi tại Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ xấp xỉ đến cao hơn từ 30-60%, có nơi cao hơn từ 80-100% so với TBNN. Trong khi đó tại Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ có lượng mưa thiếu hụt từ 15-30%, có nơi thấp hơn 50% so với TBNN cùng thời kỳ. |