ừ đêm 14 ngày 15/6 sẽ xảy ra mưa lớn ở miền núi và trung du phía Bắc, lượng mưa có nơi lên đến 300mm ở Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái…
Mưa dông xuất hiện sau nắng nóng gay gắt
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 14/6 đến ngày 16/6, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi trên 150mm (thời gian mưa lớn tập trung vào đêm và sáng).
Các nơi khác ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to tập trung về đêm và sáng với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 80mm. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, từ đêm 14 ngày 15/6 sẽ xảy ra mưa lớn ở miền núi và trung du phía Bắc. Bà con cảnh giác với lũ quét, sạt lở và ngập lụt.
Đêm nay (14/6), các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ có mưa rất lớn.
Mưa lớn sẽ xảy ra trên diện khá rộng ở hầu hết các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc như Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái. Mưa có thể lan sâu xuống khu vực Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và một vài tỉnh vùng Đông Bắc. Lượng mưa lớn nhất có thể ghi nhận mức 200-300mm/ đợt. Lượng mưa phổ biến từ 60-120mm trên diện rộng.
Do ảnh hưởng của đợt mưa này, khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc của Hà Nội sẽ giảm nhiệt trong ngày mai 15/6. Do mưa dông xuất hiện ngay sau một ngày nắng nóng gay gắt nên nguy cơ cao xảy ra lốc sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cũng có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng ở nơi trũng, thấp.
Mùa hè nhiều mưa kỷ lục
Miền Bắc đang trải qua một mùa hè nhiều mưa hiếm thấy. Trước đó, từ đêm 8/6 đến đêm 10/6, miền Bắc xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng với 2 tâm mưa chính là Quảng Ninh – Hải Phòng và Hà Giang.
Trong đó, Quảng Ninh – Hải Phòng có lượng mưa phổ biến từ 200 – 300mm, có nơi xấp xỉ 400mm. Tại Hà Giang, lượng mưa phổ biến từ ngày 8-10/6 là 100 – 200mm, có nơi trên 400mm. Trong đó từ 19h00 ngày 8/6 đến 13h00 ngày 10/6, lượng mưa tại xã Quảng Ngần, Vị Xuyên, lên tới 447mm, tại Tân Lập, huyện Bắc Quang là 381,2mm, tại xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên 354mm. Mưa kỷ lục trong tháng 6 đã xuất hiện tại 5 tỉnh/thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh và Thanh Hoá.
Đề cập về nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra liên tiếp như dông sét, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương, trọng tâm là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, là do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ và đới gió Đông Nam của khối không khí biển lấn từ phía Đông vào.
Mặt khác, tháng 5 và tháng 6 là thời điểm chuyển mùa và bắt đầu mùa mưa ở Bắc Bộ với đặc trưng là các đợt mưa rào, dông vào chiều tối, đêm và sáng, trung bình lượng mưa tháng 5 và 6 đóng góp vào tổng lượng mưa năm ở Bắc Bộ khoảng 15-25%. Trong giai đoạn chuyển mùa, khí quyển thường có tính chất bất ổn định cao, cộng thêm hiện tượng El Nino đang chuyển sang pha trung tính cũng là yếu tố bất lợi có thể tạo ra các hiện tượng mưa dông mạnh kèm theo mưa đá, lốc, sét. Đây là hiện tượng bình thường, mang tính quy luật.
Nhận định về thời tiết trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, với việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7-9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10-12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời kỳ cuối năm.
Cùng với đó, từ tháng 9/2024, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm. Riêng tháng 11 có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Khu vực từ Đà Nẵng – Bình Thuận có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 11, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh: “Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, các khuyến cáo về ứng phó với từng loại hình thiên tai đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đưa ra và hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương và người dân thực hiện. Đối với góc độ người làm công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, chúng tôi mong muốn người dân thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác. Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, chính quyền địa phương thì thiệt hại giảm đi đáng kể”.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-canh-bao-mua-rat-lon-dem-14-6-co-the-kem-theo-lu-