Nếu đứa cháu không nói cho tôi biết có lẽ tôi đã bị các con dắt mũi rồi.
Tôi có 2 đứa con, một trai một gái. Khi các con còn nhỏ thì chồng tôi qua đời trong một lần bị bệnh nặng. Gánh nặng kinh tế đè lên vai tôi. Ngày đó tôi cũng còn nhan sắc, bố mẹ và anh em khuyên tôi để con lại cho ông bà nuôi, đi thêm bước nữa với người đàn ông giàu có kiếm tiền nuôi con.
Các con còn nhỏ đã mất bố, tôi mà đi bước nữa rồi bọn trẻ biết nương tựa vào ai. Không muốn con chịu thêm tổn thương nào nữa nên tôi phải mạnh mẽ lên, chỉ có kiếm nhiều tiền mới giúp cuộc sống của 3 mẹ con khởi sắc.
Hi sinh tất cả vì con
Vì muốn con có tuổi thơ đầy đủ tình thương và vật chất nên tôi cố gắng làm tốt công việc ở cơ quan, về nhà dành toàn bộ thời gian chăm sóc các con. Trước sự phấn đấu không ngừng nghỉ của tôi cũng có ngày được sếp để mắt tới. Từ một nhân viên bình thường, tôi được thăng chức tăng lương. Còn các con ngày một học giỏi hơn.
Nếu lúc đó tôi chỉ biết nghĩ cho bản thân, đi thêm bước nữa, chắc chắn con cái sẽ chán nản bỏ bê chuyện học hành.
Ngày 2 con vào đại học, một mình tôi kiếm tiền nuôi các con, tuy vất vả nhưng cứ nhìn thành quả con sắp đạt được là tôi quên hết mệt mỏi. Rồi các con cũng ra trường và có công việc tốt.
Con gái ra trường về làm cô giáo và lấy chồng gần nhà, tuổi già tôi yên tâm vì có chỗ dựa vững chắc rồi. Còn con trai lấy vợ ở thành phố, kinh tế các con khá tốt, hiện đã mua được nhà riêng.
Các con cháu có cuộc sống ấm no hạnh phúc, tôi thấy công sức của bản thân bỏ ra là rất xứng đáng.
Tháng vừa rồi tôi đủ tuổi về hưu, do có năng lực, cấp trên vẫn muốn thuê tôi làm tiếp 2 năm tới. Nhưng những năm qua, tôi đã làm việc gấp đôi so với khả năng vốn có, bây giờ sức cùng lực kiệt, đã đến lúc nghĩ cho bản thân rồi.
Tuần trước, con trai gọi điện về hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ thế nào và khi nào về hưu. Con rất vui khi biết tôi nghỉ hưu được vài ngày rồi. Con nói tôi đã về hưu, phải ra phố nghỉ ngơi hưởng thụ và ở luôn nhà với vợ chồng con trai đến già.
Các cháu nội đều học cấp 1, biết tự làm mọi việc, không cần bà chăm sóc nữa. Ở ngoài phố toàn người lạ, cả ngày giam mình trong 4 bức tường, làm bạn với chiếc tivi, rất ngột ngạt nên tôi không muốn ra phố.
Dù tôi đã từ chối nhưng con trai vẫn nhiệt tình về quê đón đi sống cùng. Trước lời mời nhiệt tình của vợ chồng con trai, tôi không thể từ chối nên miễn cưỡng đến nhà con cháu vài hôm.
Trong lúc các con đi làm chưa về, bà cháu tôi ngồi xem tivi. Đúng lúc có đoạn phim nói về việc người bà nghèo, khi cháu về lại thành phố, bà không có gì cho cháu nên đan tặng cháu một cái áo. Cháu nội bất ngờ nói:
“Bà cụ này nghèo thật, nhưng con thích cái áo của bà cụ. Mà bà có nhiều tiền lắm hả bà?”.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Sao con nói vậy?”.
Cháu bí bí mật mật nói nhỏ cho tôi nghe: “Con nghe trộm được bố mẹ con nói chuyện. Bố bảo bà có nhiều tiền lắm phải đưa bà ra phố sống cùng kẻo cô Linh ở nhà bòn rút hết tiền của bà. Sau này nếu bà mất thì tiền tiết kiệm của bà đều là của gia đình con hết. Thế bây giờ bà có bao nhiêu tiền tiết kiệm rồi? Bà có thể cho con 500 nghìn để con mua lego được không ạ? Bà đừng nói chuyện con xin tiền bà cho bố mẹ con biết nha”.
Từng lời cháu nói làm tôi rất tức giận, không ngờ gia đình con trai đang dột từ nóc. Vợ chồng con trai vì muốn quản tiền của tôi nên mới có ý muốn đưa tôi ra phố sống, vậy mà tôi tưởng các con có hiếu với mẹ già. Cháu trai còn nhỏ mà đã xin bà một số tiền lớn chơi game. Tôi thật sự thất vọng về con cháu nên ngay hôm sau lấy lý do nhớ nhà và ra xe về quê, dù các con níu kéo thế nào cũng không ở lại.
Trước khi về quê, tôi cho cháu trai 500 nghìn mua lego đúng như nguyện vọng của cháu, tôi khuyên cháu tu chí học tập, nếu đạt giấy khen trong năm nay bà sẽ thưởng lớn. Còn việc làm của vợ chồng con trai khiến tôi thất vọng vô cùng. Trở về nhà, giữ sự ấm ức trong lòng làm tôi rất khó chịu. Theo mọi người, tôi có nên gọi điện phê bình con trai để con chỉnh đốn lại suy nghĩ của bản thân không?